Hiệu Trưởng và Thầy Cô Trồng Rau, Nuôi Lợn Để Cải Thiện Bữa Ăn Học Trò

Nằm khuất sau những dãy núi của xã Trà Tập (huyện Nam Trà My, Quảng Nam), Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trà Tập (thuộc xã Trà Tập, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) có một điểm trường chính và 11 điểm trường lẻ, rải rác giữa đại ngàn Trường Sơn.

Thầy cô di chuyển đến các điểm trường phải chạy xe máy cả nửa ngày, có điểm trường phải “lội bộ” 3-4 giờ đường rừng mới đến nơi.

“Ở những điểm trường lẻ, do đường sá cách trở nên giáo viên thường phải ở lại đến cuối tuần mới về nhà. Do đó, mọi người đều phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm.

Khó khăn nhất là những ngày mưa gió, bão lũ thì vấn đề thực phẩm rất nan giải”, thầy Lê Huy Phương – Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Tại điểm trường chính hiện có hơn 250 em học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số.

Nguồn cung thực phẩm chủ yếu mua rồi vận chuyển từ dưới xuôi lên theo nguồn kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Tuy nhiên, với mức hỗ trợ 40% mức lương cơ bản thì bữa ăn của các em cũng khá đạm bạc.

Với mong muốn mang thịt, rau xanh đến cho trẻ vùng cao, thầy Phương cùng các thầy cô trong trường đã nghĩ đến việc tăng gia sản xuất, trồng thêm rau quả và nuôi thêm lợn, gà để cải thiện bữa ăn.

Từ năm học 2018-2019, toàn bộ diện tích đất trống trong khuôn viên nhà trường đã được thầy cô tân dụng để làm nơi trồng rau nuôi lợn.

“Lúc quy hoạch xây dựng khu tập thể cho giáo viên ở, mình đã quy hoạch được khoảng diện tích sân vườn khá lớn. Tại khu vực trước sân trồng rau, sau khu tập thể thì dành cho chăn nuôi”, thầy Phương cho biết.

Nhìn những vườn rau xanh mướt, giàn bầu bí cũng đã ra quả, khách đến thăm trường đều mê mẩn.

Theo giải thích của thầy Phương thì những vườn rau, giàn cây leo sẽ làm giảm cái nóng ngột ngạt vào mùa hè và trở thành nơi thực tập cho những “nông dân nhí” trong trường.

Sau giờ học, thầy cô cùng các học sinh lại ra vườn chăm sóc, tưới bón cho những vườn rau. Qua đó, giáo viên sẽ chỉ cho các em về các loại giống cây trồng, cách chăm sóc cây non ra sao…

Tất cả những kiến thức sinh học ở lớp sẽ được ứng dụng thực tế tại chính những vườn rau của trường.

“Vừa rồi, ngoài số thịt lợn dùng để phục vụ cho nhu cầu của học sinh, giáo viên thì nhà trường cũng đã xuất chuồng được một lứa. Việc chăn nuôi không chỉ giúp giải quyết những thức ăn dư thừa sau mỗi bữa ăn của học sinh mà còn tạo nguồn quỹ thầy cô đi tham quan học tập. Thực tế, nếu việc chăn nuôi thuận lợi thì sau hai năm có thể đủ kinh phí cho thầy cô, học sinh đi tham quan miễn phí”, thầy Phương hào hứng nói.

Thầy Phương cũng chia sẻ về những kế hoạch để phát triển mô hình trồng rau, nuôi thêm gà vịt của nhà trường với mong muốn cải thiện bữa ăn, cuộc sống của những học sinh, giáo viên ở miền núi khó khăn.

"Mong muốn của nhà trường là khích lệ, động viên các thầy cô yên tâm công tác ở trường, hết lòng vì những học sinh vùng cao.

Ngoài ra, việc trồng rau, chăn nuôi còn nâng cao đời sống, bữa ăn của học sinh và các thầy cô, đảm bảo đủ các chất dinh dưỡng cần thiết".

Đợt dịch và rét vừa qua đã khiến nhiều vật nuôi của nhà trường bị thiệt hại. Những vườn rau vẫn tiếp tục được trồng nhưng chuồng trại chăn nuôi lợn phải tạm dừng để đợi qua hết đợt dịch bệnh.

Theo thầy Phương thì trong thời gian tới, các thầy cô và học sinh nhà trường vẫn sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng mô hình này.